Toàn bộ kiến nằm trong bài này
Thầy Trong Suốt: Toàn là gương mặt cũ hôm qua à? À có Vũ Thái này đúng không?
Mỹ Nhân: Hải Nam nữa này.
Thầy Trong Suốt: Hải Nam, ok. Nghe bài hôm qua chưa hai đồng chí? Chắc chưa đúng không?
Hoàng Nguyệt: “Ảo ảnh hiện ra tựa cầu vồng” ấy ạ, hiện ra chớp mắt có mấy giây xong tan biến không còn gì luôn ấy.
Thầy Trong Suốt: Ừ.
Hoàng Nguyệt: Dạ tại con cũng ít gặp cầu vồng hoặc gặp cầu vồng thì nó sẽ đứng một lúc lâu ấy, thì không kinh nghiệm hoặc là… thì đúng là chớp cái tan như ảo ảnh luôn, không có gì ở đấy cả.
Thầy Trong Suốt: Sài Gòn là hơi thiệt thòi vì ít gặp sư phụ, nên các con phải tìm cách tự mình vẫn ngẫm được cái gì đấy để tiến bộ được, đúng không? Ngẫm là một công nghệ rất tốt. Tìm ra cách nào đấy thôi! Yêu cầu cao hơn Hà Nội. Các con ở xa ấy, phải tìm ra những cách, đi bộ là tốt này, ngẫm là tốt này. Cách để cho mình vẫn vượt lên được.
Hoàng Nguyệt: Ở gần Sư phụ thì sai lầm nó được giải quyết nhanh chóng ấy ạ. Ví dụ như nãy con đi đường thì con để ý vào Biết, để ý ngay cái hiện ra ở đây này. Sau khi thấy cái đấy là rất ok thì tự nhiên cứ bám vào cái đấy.
Thì lúc nãy khi Sư phụ nói chuyện thì Sư phụ có nói bảo Thiền là một cách tự nhiên ấy ạ, thì tự nhiên là nó nhận ra cái sai lầm đấy luôn, chứ còn nếu mà không gặp Sư phụ để Sư phụ nói cho lời đấy thì chắc là cũng mất vài ngày hoặc vài tuần hoặc một thời gian nào đấy.
Thầy Trong Suốt: Sư phụ không muốn giảng về thiền lắm vì giảng thiền quá sớm thì các con sẽ ép kinh nghiệm ra cái thiền mà sư phụ mô tả. Đấy là lý do mà bài hôm qua Sư phụ giảng thì 660 trở lên mới được nghe. Ở trình độ hơi thấp thì con sẽ cố gắng ép kinh nghiệm ra cái sư phụ mô tả chứ không thực sự là thấy được cái mà sư phụ muốn nói, đúng không? Con để ý mà xem, cơ bản cách dạy của sư phụ là giảng về kiến rất nhiều, điểm nhận thức tăng lên rất nhiều đấy. Nếu con hiểu sai thì con sẽ ép, đúng không? Con định nghĩa ra một trạng thái đúng xong rồi tâm trí sẽ ép mọi kinh nghiệm để nó về giống cái trạng thái đúng đấy xong nó gọi đấy là thiền, đúng không?
Đấy, thì cái như thế nó không hiệu quả. Nó không có ích, nó có ích là tăng một chút tự tin, tăng một chút hiểu sâu sắc nhưng mà tính lợi ích nó thấp.
Còn cái thiền thực sự là khi mà kiến của con đã lên một mức độ cao rồi, con đã nhận thấy thực ra là gì rồi, con hiểu thực ra là gì.
Tuy hiểu như vậy nhưng mà con ít thấy cái đấy trong cuộc sống, đó là lúc con phải thiền. Thiền là mình trực tiếp thấy cái điều mình hiểu trong cuộc sống chứ không phải là ép ra cái điều mình hiểu.
Nếu không cẩn thận thì mình sẽ ép ra cái điều mình hiểu, ép kinh nghiệm để ra đúng cái mình hiểu. Còn đây là mình trực tiếp thấy cái mình hiểu nó đang xảy ra như vậy.
Nó tự nhiên bởi con chỉ nhìn vào thực tại thấy luôn chứ không phải con ép ra cái đấy, đúng không?
Ví dụ nhé, cái suy nghĩ, cái việc suy nghĩ mà tự tan vào trong Biết ấy, là nhìn phát thấy ngay, có đúng không? Không phải ngồi ép kinh nghiệm là “Hãy làm ra một cái kinh nghiệm là suy nghĩ hiện ra trong Biết đi”, mà lúc nào thì suy nghĩ cũng hiện ra trong Biết hết. Có đúng không? Cái đấy khác nhau đấy!
Tất nhiên là làm cái kinh nghiệm đấy không khó, làm được ngay. Nhưng mà làm kinh nghiệm thì khác gì con nói là nó không vốn thế, phải làm thì nó mới thế! Hay một kinh nghiệm đơn giản hơn là đang biết, thế thôi, chẳng cần gì phức tạp cả. Con đang biết này, đúng không? Cái Biết đang ở đây, kinh nghiệm đấy thì có phải nhìn phát là thấy không? Chứ đâu cần phải tập để ra trạng thái là đang biết. Nhưng cái kiến thấp thì mình sẽ tập để ra trạng thái đang biết, đấy! Còn đâu nếu kiến cao thì con thấy luôn, ừ nhìn cái thấy luôn, biết là đang biết.
Chính là “có đang biết hay không” đấy, đúng không?
“Có đang biết hay không” chứ mình không tập để thấy là đang biết tại vì đương nhiên là đang biết, nhưng đôi khi không để ý. Cái đấy thì chẳng cần đến 660 luôn, cái đấy thì dưới cũng được. Nhưng lúc nãy sư phụ có nói với một số bạn chắc là một số người không nghe thấy: Thiền là một thứ rất tự nhiên, Thiền là cái con nhìn thấy sự tự nhiên chứ không phải con làm ra sự tự nhiên. Sự tự nhiên này không cần làm ra, đúng không? Con chỉ cần nhìn thấy nó tự nhiên thôi, không phải là nhân tạo đúng không. Thiền không phải là nhân tạo, thiền là tự nhiên. Con thấy một thứ tự nhiên thì gọi đấy là Thiền, vì thế nên con mới có thể thiền mọi lúc được. Chứ không phải con khoanh chân khoanh tay rồi đi vào một chỗ nghỉ ngơi nào đó mới thiền được.
Nhưng mà nếu đã không có nền tảng kiến vững chắc ấy thì thiền nó vô nghĩa. Cứ cho là một hai khoảnh khắc con thấy cái đấy đi, thì sao. Nếu mà kiến nó không vững chắc thì chẳng giải quyết, chẳng củng cố được cái kiến vững chắc gì cả, đấy. Cho nên vẫn là kiến trước, con nhận thức được đúng về thực tại, con có một sự xác quyết vào thực tại. Xác quyết đấy có thể chưa quá lớn, nhưng mà xác quyết. Xong đó con nhìn, con thiền ấy, thiền có nghĩa là con nhìn vào thực tại con thấy đúng cái điều mà con xác quyết, hết lần này sang lần khác, chứ không phải thiền là mình tạo ra các kinh nghiệm giống như mình nghĩ. Mà là sau khi con đã xác quyết vào thực tại là như vậy. Ví dụ thực tại là, ví dụ nhỏ là thực tại là lúc nào cũng biết, đấy là ví dụ một loại kiến rất chính xác, hay ví dụ thứ hai là không cần làm gì hết, suy nghĩ tự được giải quyết.
Đấy, tùy trình độ con mà con sẽ xác quyết được như vậy, thì bắt đầu con kiểm tra và thấy thực tại đúng là như thế thật. Cái đoạn kiểm tra đấy là thiền, nhìn vào đấy. Và vì thế nên con có thể làm cả ngày được, đúng không? Con có thể kiểm tra cả ngày được, hết chuyện này lúc này sang chuyện lúc khác, bất kỳ khi nào con muốn kiểm tra con cũng thấy điều đấy thì bên trong con sự tự tin sẽ được xây dựng từ từ. Còn nếu con ép mình ra được trạng thái đấy thì con không tự tin được đâu, tại vì con vẫn không cảm giác là nó vốn thế, mà cảm giác của con vẫn là tôi phải làm cái gì đấy thì nó mới ra cái đấy, nó mới ra như thế. Thì đi bộ có cái hay là thế, đi bộ là mình có thể thực hành thiền một cách cân bằng, đấy. Còn ngồi một chỗ là dễ thành ép, hoặc là thành buông lơi ngủ luôn, nên đi bộ là một sự cân bằng giữa cả hai.
Vì thế cho nên con cần xây dựng cái nền tảng, nền móng về kiến vững chắc và trong cái nền móng về kiến vững chắc. Lúc nãy nói chuyện với Đức, nó chỉ có ba thứ thôi.
Con xây chắc ba thứ ấy là chắc chắn luôn.
Một là vô ngã, vô ngã nói thì nó hay thôi nhưng mà nói cách khác là sau cái thân này nó không thể có tôi nào được, đúng chưa?
Các nhóm đều đang học đấy, dễ mà, cái môn này có dễ không? Sau thân này không thể có tôi nào được, thân này này, không phải thân người khác đâu, cứ thân này đã.
Đấy là một cái móng cực quan trọng!
Thứ hai, cái kinh hơn là không hề có cái thân nào hết, đấy. Không những là không có ai sau thân này mà bước tiếp theo là không có thân nào. Bây giờ sư phụ chưa dạy đâu, bây giờ vẫn đang cái đoạn là không có tôi này, bây giờ mấy cái nhóm chung ấy. Sư phụ muốn xây dựng móng vững chắc nên là sư phụ cứ dạy từ từ thôi, sáu tháng cũng được. Nhưng mà các con hoàn toàn có thể tập cái đấy. Nghĩa là không có thân nào trên đời cả, làm gì có cái thân nào. Cái “sau cái thân này mà không có cái tôi nào hết” là mức độ từ khoảng 500 đến 540 đấy. Còn đâu bắt đầu không có thân là có thể sau 540 trở đi rồi, là con thấy không có thân nào rồi. Con đủ trình độ để thấy, để học, thực hành được không có thân. Đấy là lý do mà vừa xong ngẫm cái bài ‘Thân vốn là tâm, tâm vốn không’’ ấy rất nhiều bạn là vọt từ dưới 600 lên trên 600.
Giải quyết được vấn đề cái thân, đúng không?
Thế mình gọi là không có thật, nhưng mà bản chất ấy, nó phải ngấm đến mức độ là không có thân. Còn nếu không có thật theo kiểu bên ngoài mọi thứ vốn không có thật nhưng thân này là không có thật thì chưa, thì nghĩa là con vẫn… con thực sự chẳng hiểu không có thật nó là cái gì. Cái không có thật đấy nó phải ngấm, về kiến nhé phải ngẫm đến đoạn là không có thân, đúng không? Đấy thì nhiều bạn ngẫm “Thân vốn là tâm, tâm vốn không” là phá cái thân luôn. Khi con thấy là không có tôi, khi con thực sự thấy là không có tôi sau cái thân này thì con nhìn ra người khác, con thấy ông này đi qua mà con không thấy có người nào sau cái thân đấy hết, đấy. Con thấy một cái hình di động chứ con không thấy một cái ông nào đứng sau điều khiển cái hình đấy. Con nhìn vào thế giới cũng thế, con nhìn xung quanh không thấy một cái người nào sau cái đống hình đấy luôn, đấy là một dấu hiệu của việc là con đã xác quyết rất rõ ràng là không có tôi. Đứng sau cái tập hợp thân tâm chẳng có cái tôi nào hết, không có ai đứng sau điều khiển cái thân này hết. Cái đấy rất hợp với thực hành, hiểu biết về duyên sinh.
Cái sự điều khiển, ai điều khiển, không có ai điều khiển thì ai điều khiển? Thì mình thấy là duyên sinh, các duyên nó tự sinh ra suy nghĩ, nó tự sinh ra hành động. Đấy, khi nào con nhìn ra thế giới con không thấy cái tôi nào hết, thì con không buồn phân tích người khác. Có ai ở đấy điều khiển đâu mà phân tích người khác, đúng không? Người này là ai, quê ở đâu, đi đâu về đâu, không cần nữa. Đấy là dấu hiệu của việc nhận thức là không có tôi của con nó chín muồi, không có tôi nào sau bất kỳ thân thể nào, đặc biệt là thân này. Thân này, thân của con, con gọi là thân của con, đấy là cái móng đầu tiên.
Cái móng thứ hai chính là không có thân ấy, thân nào? Con chỉ nghĩ đây là cái thân thôi chứ không thể nào thấy cái thân được, mắt không thể nào thấy cái thân được, đúng không? Mắt thấy một đống màu làm sao thấy cái thân, mắt cũng không thể phân biệt là màu này tách với màu kia được, nó thấy cả bức tranh tổng thể, đúng không. Cái tách cái màu này ra với cả màu khác là tâm, là suy nghĩ, đúng chưa? Nên là không thể có cái thân nào trên đời cả. Sáng dậy mở mắt ra, đập vào mắt con đầu tiên là đống màu chứ không phải cái thân, đống màu, đống cảm giác, đúng không? Và suy nghĩ nói rằng “ơ đây là cái thân”. Khi con có một cơn đau, cái đập vào kinh nghiệm của con là cơn đau, xong suy nghĩ bảo đau ở chân, đau ở tay, có đúng không? Cái thân là cái hoàn toàn được tưởng tượng ra ở trong suy nghĩ, “thân vốn là tâm” là vì thế. Khi một cơn đau nổi lên thì bản chất là chỉ có cơn đau thôi, không có đau ở chỗ nào cả. Đau ở đâu là do suy nghĩ bảo, vì cái thân thể không thể đau được, nó là một đống màu không thể đau được.
Đấy thì tất cả những thứ mà cái bài này ngẫm “Thân vốn là tâm, tâm vốn không” là giúp nhận thức của con vượt lên trên 600 là vì thế. Khi con không thấy thân nữa thì con bắt đầu không thấy thân người khác và không thấy thân của cái cây cái cỏ. Nó hòa nhập, nó không tách rời nhau ra được. Con nhìn thế giới như một bức tranh hơn là nhìn vào những đối tượng, những vật đứng im hoặc là di chuyển. Lúc đấy con thực hành cái mở rộng tầm mắt là rất phù hợp, con nhìn tất cả như một bức tranh. Tuy là sư phụ nhìn về phía Hồng Nhung nhưng mà sư phụ không thấy Hồng Nhung, sư phụ thấy cả một bức tranh rực rỡ. Đấy, đấy là giá trị của mở rộng tầm mắt đấy. Thì cái đấy nó cũng phụ thuộc là con nhìn con như thế nào thôi. Con nhìn con như một cái thân thì con thấy mọi người như một cái thân, con nhìn không thấy cái thân nào hết thì con không thấy thân mọi người, không có thân cây, thân ghế, thân bàn. Đây là nền móng thứ hai.
Không có tôi, không có thân. Thế lúc đấy một câu hỏi rất tự nhiên thế “con là ai’’ hoặc là “con là cái gì’’, đấy chính là cái gì đang biết tất cả những thứ này, đúng không? Cái gì đang biết sự hiện lên của suy nghĩ, sự hiện ra của hình ảnh. Câu hỏi rất tự nhiên thôi, nếu con đi qua hai cái đấy thì ý tiếp theo khá tự nhiên. Có một số người sẽ thỏa mãn ở đấy và chết như thế nhưng mà cái tiếp theo rất tự nhiên. Bây giờ thế cái gì đang biết cái đống này? Không có tôi, cũng chẳng có thân, lúc đấy con sẽ khám phá ra cái Biết. Có một thứ không thay đổi, nó vẫn luôn ở đây, biết mọi thứ, đấy.
Cái đấy là cái mà lâu nay vẫn biết mọi thứ, vẫn trải nghiệm mọi thứ, hạnh phúc đau khổ cuộc sống chứ không phải là con. Vì muốn con trải nghiệm phải có con đã, mà con đã qua cái đoạn vô ngã rồi. Cái mà trải nghiệm mọi thứ, biết mọi thứ. Như vậy nếu con không đi qua hai đoạn trước ấy, cái đoạn vô ngã và không có thật, thì con sẽ có xu hướng ép cho ra một cái Biết giống sư phụ mô tả. Còn nếu con đi qua hai đoạn đấy rồi ấy, thì cái Biết nó thành rất tự nhiên.
Ờ cái lâu nay vẫn trải nghiệm mọi thứ này, đúng không, nhìn thấy mọi thứ biết mọi thứ. Cái đấy không phải thân, cũng không phải tâm, đúng chưa? Bằng chứng là thân mất, thì thấy vẫn Biết. Thân mất nghĩa là không có thân đấy, chỉ thấy đống màu mà, lấy đâu ra thân! Bằng chứng là không suy nghĩ gì vẫn biết, vậy thì cái Biết này nó phải vượt ra ngoài thân tâm đúng chưa? Con khám phá ra Biết chứ con không phải ép mình, thì lúc đấy ấy cái Biết nó trở thành một cái thứ rõ ràng, thực tại, không phải lý thuyết nữa. Và con bắt đầu tiến vào thế giới của sự thật tuyệt đối.
Có những câu hỏi như là “Có đang biết hay không?” này, “Cái gì đang biết” này, “Ai đang làm”, “Xảy ra với ai”. Tất cả câu hỏi đấy đều trỏ về cái Biết này. Trước đấy thì câu hỏi nó không trỏ về cái Biết. Câu hỏi “Ai đang làm’’ thì nó trỏ về vô ngã đúng không?
Nhưng bây giờ nó trỏ về Biết. Cái thực sự đang nghe sư phụ giảng nãy giờ không phải là con, không phải là tôi, không phải là cái thân, mà là Biết, đúng không? Cái mà đang suy ngẫm, đang nghĩ, đang tạo ra các suy nghĩ, hiểu lời sư phụ nói không phải là con, không phải là tôi! Không phải thân, mà là cái Biết.
Các con bắt đầu khám phá ra sự thật là con là ai, hoặc là con là cái gì. “Con là ai” không chính xác lắm đâu, mà “con là cái gì” chính xác hơn. Nếu không có tôi, không có thân thì con là cái gì, chính xác hơn là “cái gì đang kinh nghiệm” thì con khám phá ra cái Biết này. Sau đấy, sau đoạn khám phá ra cái Biết thì cơ bản việc của con là: Về kiến con xác quyết, ai đang tu này, ai đang sống này, đúng không? Ai đang nghĩ này, ai đang thiền này, ai đang làm hết cái này sang cái kia này, ai đang làm này. Xác quyết điều đấy, trong kiến. Nó cũng mất thời gian đấy, vì thói quen tôi đang làm, tôi đang tu, tôi đang sống… vẫn rất là mạnh. Kiến thì mới đến, tuy nó mạnh mẽ nhưng nó mới đến.
Nhưng đấy là điều ai cũng phải trải qua, mà ngẫm là sẽ ra. Cái đấy cũng chẳng cần làm nhiều đâu, ngẫm. Logic sư phụ vừa nói xong con chỉ cần ngẫm thôi, ngẫm lúc thì thấy luôn con không phải là cái thân tâm này được. Còn cái thứ thực sự trải qua mọi kinh nghiệm, là cái Biết này. Nhưng mà chỉ thế thôi chưa đủ, con giải quyết được một phía.
Cái Biết trải qua mọi kinh nghiệm, nhưng mà mọi kinh nghiệm nó là cái gì, con chưa thể trả lời được.
Và đấy là thấy giá trị của pháp Không có thật. “Nếu mà Không có thật thì cái này nó là cái gì”, đúng không? Nó không có thật mà. Nếu mọi thứ nó không có thật thì kinh nghiệm này nó là cái gì? Mình không thể nói là nó là cái gì được, không thể nói nó là trống không được, trắng trơn được. Con tiếp tục ngẫm, con bắt đầu thấy là à mọi thứ hiện ra này bản chất nó cũng là Biết.
Đấy là bước tiến rất lớn luôn. Từ bước nó không có thật chuyển sang nó là Biết, bản chất là bước tiến lớn. Có những người, rất nhiều người cả đời không bao giờ đến được chỗ đấy hết, vì họ thỏa mãn với chỗ không có thật. Nhưng mà bước tiến này rất tự nhiên, đành rằng là không có thật nhưng con không thể phủ định được kinh nghiệm sống động này được, đúng không? Lúc nào cũng sống động này này, không phủ nhận được, không thể bảo trắng trơn hay đen kịt được. Khi con đi tìm từng vật một, từng vật một, con không thấy gì hết ngoài sự Biết đang ở đây, đúng chưa? Sống động ở trên cái nền Biết đấy mà không có vật nào hết.
Con nhận ra rằng bản chất của nó là Biết.
Con nhận ra rằng là Biết là bản chất của thế giới này, của mọi sự vật hiện tượng. Nó là bản tính đấy, nó là bản tính của mọi sự vật hiện tượng, chứ không phải là vật chất là bản chất của sự vật, hiện tượng, đúng không. Không phải là nguyên tử, phân tử, con tìm nguyên tử, phân tử không ra luôn.
Biết nó là bản chất của thế giới. Hóa ra cái đi biết và cái được biết là cùng một bản chất, hay nói cách khác nó cùng một thứ mà thôi. Lúc đấy thì mới có thể coi là con đã thực sự hiểu đúng về Biết. Còn nếu con chỉ đoạn nửa đầu Biết là cái biết mọi thứ, kinh nghiệm mọi thứ, không có đoạn sau Biết là bản chất của thế giới, thì con chỉ có một nửa thôi. Còn nếu con có đoạn sau thì con có toàn bộ Sự thật. Biết nó vừa là cái mà kinh nghiệm toàn bộ thế giới này, đồng thời nó chính là cả thế giới này luôn. Cái hình ảnh đẹp nhất là mặt gương hoặc là màn hình ti vi, đúng không? Hình trong gương là gương, hiện trong Biết là Biết.
Các con cân bằng thì học cả hai. Một mặt nhận ra mình là ai, một mặt nhận ra bản chất thế giới nó là cái gì và nhận ra cuối cùng hai thứ là một. Lúc đấy con sẽ hiểu, bắt đầu hiểu những cái sư phụ hay nói là “Dù làm gì cũng chỉ thấy chính mình”, đúng không. Hay là “Con chính là Biết đang xem biểu diễn của chính mình”, đấy. Hai câu cộng vào nhau thì con có đầy đủ kiến thức về sự thật, con không phải học thêm một cái gì nữa, đầy đủ luôn rồi đấy. Con là ai và thế giới là cái gì là xong rồi. Cả hai cái đấy là cùng một thứ thôi. Con đi cửa nào cũng được, con đi cửa thế giới là cái gì vào cũng được mà con là ai vào cũng được.
Từ kinh nghiệm của sư phụ, những người vào đời ấy, “con là ai” quan trọng hơn. Còn mấy ông học giả với ngồi trong núi thì có thể là thế giới là cái gì quan trọng, nhưng mà vào đời thì “con là ai” nó nhanh hơn vì con nhìn thế giới theo cách con nhìn con.
Nếu con nhìn con là cái thân này thì con nhìn thế giới là cái thân này thân kia, đấy.
Nếu con nhìn con là Biết thì con tự thấy thế giới là Biết. Nên là con là ai, con là cái gì là tắt của tắt, giải quyết cái một cái gốc thì giải quyết tất cả các cái ngọn, về phải thực hành đi. Nên là trong các bài nói về đi bộ sư phụ rất nhiều cái nói về “con là ai”, “không phải tu cái gì mà là cái gì tu’’, đúng chưa?
Nhiều lắm, nghe thì sẽ… Nhưng nhớ là nếu mà chỉ một nửa, con là ai mà không hiểu thế giới là cái gì, thì không đủ đâu, nó phải cả hai. Nhưng mà gốc là con là ai, con là cái gì. Thì cái đoạn sư phụ vừa nói xong nó là tóm tắt của kiến đấy, nếu con đi theo lộ trình đấy và thực hành như vậy, ngẫm, suy ngẫm. Suy ngẫm cá nhân ấy, không phải ngồi nói chuyện với nhau đâu. Suy ngẫm cá nhân. Nên trên các cái giáo pháp mà sư phụ đã dạy ấy thì con sẽ đến cái điểm đấy. Con đến cái điểm xác quyết là “con là ai?” “con là cái gì?” và ‘’thế giới nó là cái gì?’’. Và đấy là con có kiến, như vậy con thành một học giả, nghĩa là con có thể tự tin là tôi hiểu về thế giới và thực sự con đi giảng cho thế giới được rồi.
Thế giới không biết về cái đấy mà, nên là con đi giảng rất nhiều, con có thể thành ông thầy nổi tiếng luôn. Thần tượng của các con thường là khoảng đấy, thường là khoảng nhận thức rất tốt về thế giới, xong đi giảng lại. Đức Đoàn viết sách rồi đấy, bắt đầu viết sách được, đấy! Đúng không, nổi tiếng cho nó vui, đấy. (Thầy cười) Thôi, như thế này là vừa rồi nhé, tóm tắt xong rồi gì nữa đúng không? Về ngẫm thì như thế là đủ rồi, ngẫm theo thế đi, thực hành, còn thiền thì còn dài. Đầy đủ rõ ràng đấy, đi nhé.
Nguyên Thảo: Bài này tên gì ạ?
Thầy Trong Suốt: Bài này á? Toàn bộ kiến nằm trong bài này. (Các bạn cười)